Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Đưa người say về nhà: Tiện nhưng vẫn lo

Đưa khách say về nhà tại các quán nhậu là dịch vụ khá mới mẻ và lạ lẫm. Nhiều người cho rằng, dịch vụ này ra đời sẽ giảm tải được tai nạn giao thông và bớt đi mối lo của dân nhậu khi quá chén. Tuy nhiên, một bộ phận lại phản đối vì cho rằng"đây là cách vẽ đường cho hươu chạy", cổ vũ thêm tinh thần cho các "bợm nhậu" có thể thỏa sức "chén chú chén anh" vì an tâm có người đưa về tận nhà.

Tâm lý e ngại của các nhà hàng

Tại một số nhà hàng tại Hà Nội, dịch vụ đưa người say rượu/bia về nhà vẫn còn lạ lẫm, chưa phổ biến. Anh Hoàng Trọng Nam, chủ một nhà hàng ở phố Trần Nguyên Hãn, Hà Nội cho biết, đã nghe tới dịch vụ này nhưng chưa áp dụng tại nhà hàng. Khách đến quán của anh đông nhất từ 5 giờ - 6 giờ chiều, thường đi theo tốp nên khi người này say có bạn đi kèm đưa về. Bên cạnh đó, nếu thêm dịch vụ này tại nhà hàng sẽ tính mức đồ ăn cao hơn, điều này khó lòng cạnh tranh với một số quán nhậu bên cạnh.

Với quán nhậu ở ngõ 81 Nguyễn Chí Thanh thì dịch vụ này còn khá lạ tuy nhiên trong thời gian tới, chủ quán cho biết sẽ cố gắng “ra mắt” dịch vụ này. Theo chủ quán,  ở đây cũng nhiều trường hợp khách say “mềm” mà nợ tiền. Giờ nếu có dịch vụ này sẽ cử nhân viên đưa khách về tận nhà rồi khéo léo nhờ người thân thanh toán số tiền khách ăn uống. Nhưng  xét đi xét lại, điều này khó khả thi vì rất có thể đưa khách về nhà không những bị vợ khách mắng mà còn tiếp tục không trả tiền. Nhân viên đôi khi ngại trở thành “kẻ đòi nợ lèo nhèo” mãi ở cổng nhà khách và đủ kiên nhẫn. Chi phí đi lại có khi lại về số "0". Nhà hàng không thể làm to chuyện trong những trường hợp ấy vì còn giữ khách.

Đưa người say về nhà: An toàn, giảm rủi ro

Anh Nguyễn Trường Kiên (Hà Nội) cho biết: “Ở công ty thỉnh thoảng có tổ chức những buổi liên hoan. Đôi khi vui vẻ với đồng nghiệp nên một số người không kiểm soát được và hay “quá chén”. Những lần ấy, anh em trong nhóm thường hỗ trợ lẫn nhau đưa về nhà. Giờ nếu có dịch vụ “đưa người say về tận nhà” sẽ tiện ích hơn. Nhiều người ở xa công ty nhưng vì thương bạn nên vẫn lọ mọ trời tối đưa bạn say về nhà, khi trở về nhà mình cũng quá khuya mất an toàn khi đi đường. Tuy nhiên, dịch vụ này ra đời, các nhà hàng phải đảm bảo tuyệt đối về nhân viên, tránh tình trạng khách bị lợi dụng khi say”.

 Đưa người say về nhà: Tiện nhưng vẫn lo - 1

"Dịch vụ đưa người say về nhà giảm nỗi lo khi các đồng nghiệp của tôi lỡ quá chén", anh Kiên chia sẻ

Chị Lê Thu Trang (Hà Nội) cho biết, “chồng mình cũng thường xuyên có những cuộc nhậu với đối tác, đồng nghiệp, bạn bè. Nhiều hôm anh về nhà trong tình trạng rượu, bia nồng nặc. Về đến cổng nhà chỉ kịp gọi vợ ra mở cửa, xe máy dựng luôn bên ngoài. Những lần ấy mình rất khổ sở, lại lo chồng đi đường sẵn có hơi men rất nguy hiểm khi lái xe. “Đưa người say về nhà” là dịch vụ tôi hưởng ứng. Giá “mềm”, nhân viên đảm bảo là tôi hoan nghênh”.

 Đưa người say về nhà: Tiện nhưng vẫn lo - 2

Chị Trang ủng hộ dịch vụ để giảm lo lắng khi chồng tham gia với đồng nghiệp

Thượng úy Nguyễn Phương Anh (công tác tại Công an huyện Thường Tín) cũng đồng quan điểm đồng ý với dịch vụ đưa người say về nhà. Theo chị, thứ nhất khi người ta say thì không làm chủ hành vi của mình. Thứ 2 là nếu tự điều khiển phương tiện giao thông sẽ trực tiếp gây nguy hiểm đến tính mạng.

Anh Phạm Hoàng Lợi ( Quảng Ninh) cũng khá hoan nghênh với dịch vụ mới mẻ này. Theo anh, khi uống say tại nhà hàng mà không kiểm soát được tay lái nên có người đưa về tận nhà. Làm theo cách này sẽ bớt nguy cơ rủi ro khi lưu thông trên đường.

 Đưa người say về nhà: Tiện nhưng vẫn lo - 3

Anh Lợi cho rằng dịch vụ sẽ giảm bớt rủi ro cho người say khi nhậu về.

Anh Nguyễn Thành Luân, làm trong ngành báo cũng đồng ý với dịch vụ này. “Làm báo nên tôi có nhiều mối quan hệ cần giao lưu. Đôi khi bạn bè, anh em thậm chí cả nhân vật tôi phỏng vấn đều mời nhau tiệc tùng ngoài quán xá. Tôi hoàn toàn đồng ý với cái dịch vụ này. Thứ nhất, không ảnh hưởng đến tính mạng của người lái xe và an toàn cho người đi đường. Thứ hai,  phải xử lí mạnh tay với những người đã có rượu bia mà vẫn lái xe, coi thường tính mạng người tham gia giao thông. Thứ 3, mô hình về dịch vụ đưa người say về nhà như thế cần nhân rộng", Anh Thành Luân chia sẻ.

 Đưa người say về nhà: Tiện nhưng vẫn lo - 4

Anh Luân hoan nghênh dịch vụ "đưa ngươi say về nhà"

Đưa người say về nhà khác nào cổ vũ cho dân nhậu?

Bên cạnh những ý kiến đồng tình với dịch vụ này còn có một số quan điểm trái chiều. Anh Phạm Hùng Sơn (Ngõ 20, Dịch Vọng, Cầu Giấy) cho rằng nên "xây dựng ý thức là không nên nhậu say. Làm thế này khác nào cổ vũ cho việc nhậu say. Các anh em cứ an tâm nhậu tới bến trong các cuộc chơi đã có người đưa về. Nhậu say có nhiều tác hại khác nữa đâu chỉ là việc đi về không an toàn”.

Anh Đào Mạnh Tuấn (Phố Hoàng Diệu) cũng tỏ ra ngần ngại vì “nghe có vẻ hợp lý nhưng khách quan mà nhận xét thì sẽ không khả thi, mình là người đàn ông mình biết. Tâm lý chung là đàn ông phải có sỹ diện. Không thể để say khướt để rồi phải có người ở quán, nhà hàng phải dìu và đưa về tận cổng được”.

Chị Nguyễn Thu Hà (Hà Nội) cũng không đồng ý với dịch vụ với lý do “làm thế khác nào vẽ đường cho hươu chạy. Chồng mình có người đưa về nhà thì thả sức đi nhậu nhẹt mà không lo bị vợ gọi, lo gọi vợ đến đón. Làm thế nào để các ông uống có điểm dừng mới là biện pháp khả thi nên làm chứ không phải cách này”.

Anh Tiệp (chủ một Website cung cấp dịch vụ đưa người say về nhà) cho biết anh có ý tưởng kinh doanh  dịch vụ là do những lần đi ăn liên hoan cùng nhóm bạn, anh chứng kiến những trường hợp say xỉn không làm chủ được hành vi.  Khi lập ra trang facebook để giới thiệu và tuyên truyền về sự nguy hiểm của khách say anh không được nhiều người ủng hộ.  Anh cho biết, “Chi phí cho mỗi lần đưa khách say về nhà sẽ được tính tùy theo địa chỉ, khoảng cách nhưng nhìn chung giá cũng khá mềm. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà dịch vụ này chưa nhận được sự đồng ý của nhiều người”.

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, cơ quan này sẽ phối hợp với Hiệp hội Rượu, bia, nước giải khát xây dựng mô hình "Điểm kinh doanh bia rượu an toàn giao thông" thí điểm tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM.

Tại các điểm kinh doanh bia rượu sẽ có lực lượng vận động khách hàng không lái xe sau khi uống bia rượu, có dịch vụ trông giữ xe qua đêm, dịch vụ đưa khách hàng đã uống rượu về nhà để đảm bảo an toàn.

Theo quy định, để trở thành điểm kinh doanh rượu bia an toàn, nhà hàng phải đảm bảo một số tiêu chí, như: phải có địa điểm trông giữ xe qua đêm; có tối thiểu 2 nhân viên có giấy phép lái xe để đưa xe cho khách về; có nhân viên đưa khách về bằng xe máy; nhân viên phải có trách nhiệm tuyên truyền, giới thiệu tới khách  hàng về việc không nên lái xe sau khi đã sử dụng rượu bia..

Source : eva[dot]vn
post from sitemap

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét