Đậu rồng, thứ đậu hoang được thuần hóa trồng trước sân nhà, vừa tạo cảnh đẹp vừa đem lại nhiều món ăn thú vị từ cách tận dụng độc đáo của người dân quê bình dị, chân chất.
Cây đậu rồng hay còn gọi là đậu khế, đậu xương rồng, thường mọc theo hàng rào. Loại đậu này dễ trồng, chỉ cần lấy hạt khô già gieo xuống đất là có dây đậu mọc lên. Khi mùa mưa dần ngớt, gió chướng thổi là đậu rồng ra bông và đơm trái. Ngày nay, đã có giống đậu rồng tứ quý cho trái quanh năm. Trái đậu rồng màu xanh, có khía, … Đậu rồng là một loại rau vườn mà điểm khác cơ bản so với các loại đậu khác như đậu ve, đậu đũa là ăn sống cũng được, ăn chín cũng ngon.
Lá đậu rồng cũng ăn được, nhất là làm rau sống ăn với cá lóc nướng trui, tép luộc, hay cá, mắm kho.
Dây đậu rồng mọc ở hàng rào
Đậu rồng xào với gì cũng ngon
Đơn giản, gọn nhẹ nhất là xào đậu rồng với tỏi. Đậu rồng ngon là trái vừa phải, không lớn quá, tươi, xanh màu đọt chuối non, trái chỉ mới tượng hạt bên trong.
Đậu rồng hái vô tước bỏ các cọng xơ, rửa sạch. Người ta bắc nước sôi bỏ ít hột muối, rồi cho đậu vô chần sơ qua, để ráo nước. Dùng dao bén cắt xéo mỏng dày tùy theo ý thích của người ăn. Cho mỡ heo thắng hoặc dầu ăn vô chảo, tỏi lột sạch vỏ, lấy một ít đâm nát để phi thơm, phần còn lại để nguyên trút vào trước rồi nhanh tay cho đậu vô xào nhanh, nêm nếm gia vị, nhắc xuống, chấm nước mắm pha nước cốt chanh, ót, tỏi, ăn với cơm nóng, sẽ cảm nhận được vị ngọt, vị béo của và mùi thơm của món ăn bình dân này.
Cách này dùng cho người ăn chay thì xào với dầu. Nhiều khi người ta thêm ít nấm rơm đã làm sạch, luộc sơ qua nước để ráo, hay ít miếng tàu hủ chiên vàng cắt miếng vô xào chung, chấm nước tương, ớt, …
Đậu rồng tất nhiên có thể xào với thịt bò, thịt ba chỉ hay thịt heo bằm vò viên hoặc xào với tép bạc đều ngon. Cách làm cũng tương tự, có điều khi xào thì thịt, tép xào trước, nêm nếm vừa ăn rồi mới cho đậu vô xào đều là được.
Người ta còn đem giấm chua hòa tan với đường, hành tím xắt mỏng, rưới lên trên dĩa đậu đã xào, dân gian gọi là xào chua ngọt. Nước chấm món xào này chỉ cần rót từ chai ra, thêm ít trái ớt hiểm nữa là ngon lành.
Trái đậu rồng vừa bẻ
Đậu rồng có thể dùng trộn gỏi
Đậu tươi, rửa sạch, cắt xéo thành miếng mỏng, sao cho hạt đậu không rớt ra ngoài, đem đậu bóp sơ với nước muối, rồi vắt cho khô nước.
Nước cốt chanh đã gạn hết hột, pha thêm đường, chuẩn bị trước để cho đậu vào trộn ngay, gỏi sẽ dậy mùi rất thơm. Củ hành, đậu phộng rang giã dập, rau răm, rau quế xắt nhuyễn thêm vài lát ớt, nêm nếm gia vị vừa miệng là xong đĩa gỏi chay!
Cầu kỳ hơn thì kiếm tép bạc, hoặc thịt ba rọi đem luộc với nước dừa tươi cho đậm đà vị ngọt. Tép lột vỏ hoặc thịt xắt miếng mỏng sợi, trộn đều vào gỏi. Đây là món nhậu rất bắt mồi của các lão nông ở miền quê sông nước.
Canh chua cá lóc, cá rô nấu đậu rồng
Đây là món ăn hấp dẫn với hương vị đặc trưng. Cá lóc, cá rô đồng làm sạch, để ráo. Bắc nồi nước xôi, co ít trái me vào để tạo vị chua. Me mềm vớt bỏ vỏ, hột, dầm cơm me cho nát rồi trút lại nấu tiếp. Thả cá vào, nấu sôi, vớt sạch bọt, cuối cùng cho đậu rồng đã xắt miếng vào đảo đều lên. Nêm nếm vừa ăn, thêm vài lát ớt, ít ngò gai, quế, xắt nhuyễn, … món ăn này ngon nhờ miếng đậu rồng giòn giòn, ngọt ngọt tạo cho tô canh chua có vị ngon rất riêng.
Ngoài ra, thường vào mùa mưa, khi mâm cơm có đĩa đậu rồng luộc chấm chén nước mắm nguyên chất hay với nước cá kho, thịt kho thì rất nhanh hết cơm!
Đậu rồng về rửa sạch, cứ để nguyên trái vậy, dùng tay bẻ khúc chấm với mắm ruốc xào thịt ba rọi cũng ngon phải biết.
Vậy mới hay thứ đậu hoang được thuần hóa trồng trước sân vừa tạo cảnh đẹp vừa đem lại nhiều món ăn thú vị từ cách tận dụng độc đáo của người dân quê bình dị, chân chất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét