“Ở Sài Gòn hay bất kỳ thị trấn sầm uất nào ở Việt Nam, tìm một nơi bán các món ăn Huế không khó, nhưng để thưởng thức chúng đúng phong vị cố đô thì phải đến Huế mới cảm nhận được hết…”. Có lẽ bị "ám thị" bởi nhận định đó của vài anh bạn là hướng dẫn viên du lịch và người Huế chính gốc mà trong hai ngày ngắn ngủi lưu lại Huế vừa qua, tôi không dành nhiều thời gian thăm thú danh lam thắng cảnh mà tranh thủ từng giờ từng phút để nếm thử các món ăn nổi tiếng cố đô Huế.
Bún bò thì ở đâu cũng có nhưng bún bò ở Huế thì lại khác hẳn. Cái khác đầu tiên là rau không phải rau xắt ghém, mà được lặt thành từng lá nhỏ (xà lách, rau thơm, hành được cắt thành từng đoạn nhỏ); cái khác thứ hai là trong nồi bún có chả lụa, thịt chả được vắt thành từng viên nhỏ, nổi lên phía trên mặt nồi nước lèo trông rất hấp dẫn; cái khác thứ ba là vị cay xè đặc trưng. Bún bò ở Huế được nêm nếm sả, ớt màu, ớt bột, tiêu, tỏi, hành… rất đúng liều lượng nên vừa được bưng ra là bạn đã có thể cảm nhận được vị cay.
Dù vậy, nếu chưa đủ “ép phê” thì có thể tự mình nêm nếm thêm ớt tươi, ớt tương hay nước mắm ớt tỏi. Trong cái se lạnh của cơn mưa dầm buổi sáng, vừa ăn bún bò vừa hít hà vì cay và ngon, bạn sẽ như quên đi cái lạnh giá ngoài trời.
Bún bò Huế, một trong những món ăn nổi tiếng cố đô Huế
Món đặc sản thứ hai mà tôi muốn tìm ăn cho bằng được ở Huế đó là cơm hến. Theo lời chỉ dẫn của bạn bè, tôi tìm đến đường Hàn Mạc Tử để thưởng thức món ăn “nức tiếng” này. Tuy chỉ là thứ cơm nguội bình thường nhưng khi kết hợp với rau ghém, tóp mỡ, ruốc rang, thịt hến, nước hến và vị cay đặc trưng của tương ớt thì còn ngon hơn cả mọi cao lương mỹ vị trên đời. Ăn xong tô cơm hến, uống một bát nước hến nóng, mồ hôi túa ra như tắm, lưỡi tê rần vì cay nhưng vị ngon thì còn đọng lại trên đầu lưỡi mãi.
Cơm hến
Món ăn lôi cuốn tôi tiếp theo là một món cơm với tên gọi khá lạ - cơm âm phủ. Thoạt đầu, tôi muốn ăn món này là vì tò mò về cái tên nghe sờ sợ này. Nhưng khi món ăn được bày trước mắt, tôi lại không nỡ ăn. Món cơm được trình bày rất bắt mắt: cơm trắng ở giữa, xung quanh đặt thức ăn gồm thịt ba rọi, chả lụa Huế, tôm, nem Huế nướng, trứng tráng, rau thơm, dưa leo… tạo thành 7 màu rực rỡ, rất đẹp mắt. Trộn đều các nguyên liệu, rưới nhẹ một ít nước mắm ngon lên là bạn đã có được một món ăn vừa miệng, ngon đến miếng cuối cùng.
Cơm âm phủ, một trong những món ăn nổi tiếng cố đô Huế
Ở Huế hiện vẫn lưu truyền câu: “Muốn ăn cơm dĩa trữ tình, có quán Âm phủ ma rình phía sau”. Vì vậy, để thưởng thức đúng hương vị của món ăn độc đáo này, tôi đã đến quán cơm Âm phủ trên đường Nguyễn Thái Học, gần sân vận động Huế. Đến đây, tôi mới biết món cơm này là món đặc trưng của quán này và trước đây quán chỉ mở vào đêm khuya, bên trong thắp ngọn đèn dầu leo lắt, tạo nên khung cảnh kỳ bí nên cái tên “Âm phủ” cũng hình thành từ đó.
Có người sẽ nói: Ở Sài Gòn cũng có món Huế cớ chi phải ra tận ngoài Trung mà ăn với uống; ngay cả các món đặc sản xứ Quảng cũng chẳng thiếu thứ nào. Đúng là nguyên liệu ngoài ấy gởi vào, quy trình chế biến cũng thế, nhưng người sành ăn, quen với hương vị chỉ cần nhìn qua là biết. Vì đơn giản cho dù nguyên liệu được gởi từ miền Trung vào nhưng đó là thứ hàng chợ được sản xuất hàng loạt.
Ở phố cổ Hội An, nơi mà đã đến Huế thì ai cũng phải ghé một lần, cho dù chỉ là quán xá bên đường nhưng có những quán sử dụng toàn những nguyên liệu chế biến do chính gia đình làm ra và chỉ để phục vụ cho quán ăn của họ. Ví như khi làm sợi bánh cao lầu, người ta phải ngâm gạo thơm trong nước tro lọc từ cù lao Chàm; sợi bánh mì Quảng trước khi xay gạo thơm thành bột, phải được ngâm nước giếng Bá Lễ, một giếng nước ngọt trong đã có từ ngàn năm trước...
Huống hồ món bánh canh Nam Phổ nay đã nâng lên thành thương hiệu của đất Huế. Nước lèo của bánh canh Nam Phổ phải có màu đỏ cam của gạch cua và tôm, sền sệt, không quá lỏng cũng không quá đặc. Các loại bánh lọc, bánh nậm ở Huế cũng khác, được gói trong những chiếc lá dong thay vì lá chuối nên mùi thơm của bánh cũng rất đặc biệt.
Bánh bèo
Bánh bột lọc
Dù đã “để dành bụng” nhưng tôi cũng không thể nếm hết tất cả các loại chè đặc trưng ở Huế vì có đến hàng trăm loại từ chè cung đình (chỉ riêng chè cung đình đã có hơn 36 loại) đến những loại chè bình dân. Dù vậy, mỗi loại chè đã từng ăn qua lại mang một hương vị rất riêng, thật độc đáo. Chè cung đình cầu kỳ từ cách nấu đến cách bày biện khiến bạn không chỉ được ăn mà còn được ngắm bằng mắt: Chè đậu xanh, hạt sen ngọt bùi, thanh mát; chè xanh dứa, chè hạt lựu, chè môn sáp vàng, che bông cau là những món chè trái cây hảo hạng; chè bột lọc thịt heo quay lạ miệng với vị giòn dai pha lẫn vị ngọt thanh của đường phèn và béo ngậy của thịt quay. Các loại chè bình dân như chè tía, chè bắp, chè kê, chè khoai sọ, chè đậu ván… có vị ngọt thanh, béo ngậy nhưng ăn đến no bụng mà vẫn chưa thấy ngán…
Các món ăn ở Huế hấp dẫn, ngon miệng là thế cho nên dù mảnh đất cố đô mang một nét dịu dàng, trằm mặc, cổ kính nhưng cũng không lôi cuốn tôi bằng phong vị ẩm thực ở nơi đây. Nhất định lần trở lại Huế kế tiếp, tôi sẽ tiếp tục khám phá tiếp những món ăn độc đáo, thú vị của vùng đất này!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét