1. Bánh bía Sóc Trăng
"Ai về thẳng tới Năm Căn/ Ghé ăn bánh hỏi Sóc Trăng, Bãi Xàu
Mắm nêm, chuối chát, khế, rau/ Tôm càng Đại Ngãi cặp vào khó quên"- Ca dao
Sóc Trăng không chỉ có bánh hỏi, tôm càng mà còn có bánh bía. Bánh bía Sóc Trăng có hương vị rất đặc trưng, đó là mùi thơm của sầu riêng, vị béo ngậy của hột vịt muối, vị bùi của đậu xanh, khoai môn và thơm mùi bột mì của vỏ bánh nướng vàng.
Bánh bía (Ảnh minh hoạ, nguồn Internet)
Mùi hương sầu riêng nguyên chất của bánh bía Sóc Trăng tạo nên nét thuần Việt cho chiếc bánh pía với hương vị gắn liền với cuộc sống của người dân Sóc Trăng hiền hòa, chất phác.
2. Bánh giá hay bánh vá Tiền Giang
Đến chợ thị trấn Vĩnh Bình, ngày xưa là chợ Giồng (huyện Gò Công Tây – Tiền Giang), ta sẽ nghe người Gò Công ngân nga câu hát: Một mai em gái lấy chồng. Còn đâu bánh giá chợ Giồng mời anh.
Hẳn ta sẽ ngạc nhiên vì cái tên của bánh. Thì đây là lời giải thích: Gọi bánh giá xuất phát từ nguyên liệu làm bánh gồm giá đỗ sống, trứng gà, bột năng, bột gạo, gan heo, thịt, tôm, đậu phộng rang. Tuy nhiên, nhiều người còn gọi là bánh vá vì cho rằng khi chiên, bánh được đựng trong những chiếc vá như cái vá múc canh.
Cách làm bánh giá khá đơn giản nhưng nếu mới làm lần đầu chắc chắn bạn sẽ lúng túng ngay: Cho thật nhiều dầu vào chảo, ngập bánh và bắt lửa cho dầu sôi lên. Sau đó để giá sống, gan heo, tôm vào trong 1 chiếc vá với số lượng tùy thích, múc bột cho ngập các loại nguyên liệu này và nhúng vá vào trong chảo dầu một lát để cho bánh dính kết lại rồi từ từ rút vá không ra. Ăn kèm với bánh vá không thể thiếu bún, rau sống, nước mắm tỏi ớt quen thuộc của vùng quê Miền Tây sông nước được.
Hiện nay, khi đến bất kì tỉnh thành nào miền sông nước, ta đều có thể thưởng thức bánh giá. Tuy nhiên, bao giờ cũng vậy, bánh giá Chợ Giồng lúc nào cũng nổi bật thơm ngon, vừa lòng khách nhất.
3. Bánh cống Cần Thơ
"Hậu Giang sông nước dâng tràn/ Ghé xuồng thăm quán cô hàng năm xưa
Bánh cống nhộp nhịp người mua/ Ngọt ngon hương vị quê mùa khó quên!"
Đến Cần Thơ không thể nào bỏ qua món bánh được làm bằng bột gạo. Bột gạo đem trộn với đậu xanh hột, tôm thịt băm. Bánh chiên giòn bên ngoài, bên trong mềm xốp; được ăn cùng các loại rau sống và nước mắm chua cay. Đó là món bánh cống Cần Thơ.
Bánh cống Cần Thơ. (Ảnh minh hoạ, nguồn hivietnam)
Bánh cống ăn với rau sống chấm nước mắm ớt giống như bánh xèo. Cũng như ăn bánh xèo, người ăn bánh cống sành điệu không dùng đũa mà chỉ dùng tay xé bánh cuộn với rau rồi chấm nước mắm. Một cách ăn rất đậm chất Nam Bộ, mộc mạc, chân tình, quá đỗi thân thương.
4. Bánh tét Trà Cuôn
"Trà Vinh là xứ ruộng, giồng/ Rừng xanh, biển rộng, nhiều sông, lắm vườn
Con người hiền hậu dễ thương/ Xa quê lập hội đồng hương kết tình."
Cần Thơ nổi tiếng với bánh tét lá cẩm thì Trà Vinh cũng không chịu kém với đặc sản bánh tét Trà Cuôn.
Cầm đòn bánh tét trên tay, mới thấy hết sự tỉ mỉ trong cách chọn lựa lá, các nuột lạc được buột vừa đủ độ chặt và khéo để cách đều nhau, để khi nấu bánh không bị bung ra và nước không thấm vào bánh sẽ để được lâu. Khi cắt từng lát bánh, ta cảm nhận được độ mềm dẻo của nếp, mặt cắt rất mịn màng, màu xanh nhạt đẹp mắt. Cắn từng miếng bánh nhỏ ta sẽ cảm nhận được vị ngọt và dẻo của nếp, đậu xanh, thịt mỡ béo béo, mùi thơm của rau ngót, trứng vịt muối mặn mặn, kèm thêm một ít tôm khô, dưa kiệu hay dưa cải muối sẽ tạo một hương vị ngon ngây ngất khó quên một khi du khách đi qua Trà Vinh không thể không thưởng thức một lần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét