Từ xưa, ông bà ta thường đã nói “tiếng lành đồn xa”. Bởi thế những gì có tiếng, nức tiếng dù chỉ là những món ăn giản dị, đơn sơ của nông thôn, dẫu chúng ta chưa một lần được thưởng thức nhưng vẫn ghi nhớ trong tâm trí.
Ấy vậy mà, trên dải đất hình chữ S rộng dài lại có cả những món ăn mà tên gọi (bằng tiếng phổ thông) còn lạ lẫm hay mang nhiều biến âm nhưng cũng đủ làm ta không thể nào quên chính từ sự độc đáo trong cách chế biến và hương vị.
Món lạp
Trời âm u, nhìn đồng hồ đã gần trưa thì chúng tôi cũng kiếm được mấy lạng thịt nạc tươi từ chợ huyện về. Nghe anh chủ nhà khoe vừa mua được ít da trâu của một nhà vừa ngả thịt chú trâu béo ở bản bên nên sẽ trổ tài vào bếp để giới thiệu thêm một món ăn lạ mới.
Thoạt tiên, chúng tôi cũng đem thịt nạc rửa sạch, băm vụn và xào như khi làm các các món thịt băm thông thường. Nhìn miếng da trâu anh lựa không thấy dày quá hay mỏng quá, chắc hẳn đó là do bí quyết chế biến. Trước khi đem thui, anh xoa đều trên mặt miếng da bằng một chút muối. Trong than lửa ấm của củi khô cháy đượm, da trâu được thui sạch, dùng dao sắc cạo thêm rồi cũng bỏ vào nồi luộc cho đến khi vừa chín giòn.
Mải ngắm đàn gà đang chạy kiếm ăn ngoài sân mà đến khi a vớt miếng da trâu chín giòn kia, chúng tôi mới biết khi luộc anh đã bỏ thêm vào đó ít lá mít hái ngoài vườn. Da trâu được cô con gái lớn của anh đem vớt thái mỏng. Cháu trộn da trâu luộc, thịt băm xào với các món gia vị như mùi tàu thái nhỏ, rau thơm, nêm thơm tỏi, ớt, bỏ thêm ít nước cốt chanh…
Bên mâm cơm ấm cúng với gia đình, anh chủ nhà cười bảo: Chắc dưới xuôi các anh sẽ gọi nó là món nộm gì đó phải không. Bọn tôi ở đây gọi là món lạp. Mà tên gọi thế nào cũng được miễn là ngon và góp vui cho bữa cơm gia đình đón khách quý anh nhỉ. Ai đã từng thưởng thức sẽ khó mà quên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét