Một chiều ngày làm việc cuối tuần, anh bạn thân ở Cà Mau điện thoại lên thành phố rủ tôi: ”Đến mùa cá nâu rồi đó, rảnh hông, xuống quê mình chơi qua đó tôi sẽ đãi “bồ” một món ăn “cây nhà lá vườn” vô cùng hấp dẫn, đảm bảo “không đụng hàng”. Nhớ xuống nghen, tôi đợi, nếu để qua mùa thì không có đó!”.
Nghe bạn nói với vẻ bí mật khiến sự tò mò trong tôi càng thôi thúc. Thế là, cuối tuần, tôi lên xe về quê bạn ngay. Đến nơi tay bắt mặt mừng, hàn huyên tâm sự tâm sự xong, bạn cho biết món ăn sẽ chiêu đãi tôi hôm nay là: Cá nâu kho trái giác.
Xuống tận nơi bếp, thấy bạn đã chuẩn bị sẵn các nguyên liệu trong 2 rổ. Rổ thứ nhất đựng con cá nâu mình tròn dẹt, da màu vàng nhạt, trên mình có những đốm đen tròn như da beo, trọng lượng khoảng ½ ký nhảy lách tách trong rổ.
Nhìn con cá quá quen thuộc khiến tôi bồi hồi nhớ lại những ngày sống nơi vùng biển quê ngoại, mỗi khi mùa mưa đến – cũng là mùa cá nâu - má đi chợ thường mua loại cá nầy về chế biến món ăn cho cả nhà thưởng thức.
Cá nâu và trái giác (ảnh: BCT)
Cá nâu là loại cá đặc biệt có thể sống ở môi trường nước mặn lẫn nước lợ. Vào mùa mưa, cá vào ven bờ nơi các kênh, rạch nước lợ để duy trì nòi giống, khi nước rút dẫn đàn con “di cư” ra biển lớn trú ngụ nơi các ghềnh đá, rạn san hô. Biết được những đặc điểm nêu trên, người dân thường dùng các phương tiện như câu, giăng lưới để đánh bắt.
Cũng cần lưu ý, cá nâu có nhiều gai nhọn chứa nọc độc trên lưng và dưới bụng, nếu thiếu thận trong khi đánh bắt sẽ bị chúng đâm tê nhức vô cùng. Cá nâu thịt béo, mềm, ngọt, thơm ngon, ít xương nên được các bà nội trợ miền Tây ưa thích trong việc chế biến các món ăn như: chiên tươi, nướng muối ớt, kho mẳn, nấu lẩu. Rổ thứ hai đựng những chùm trái tròn, màu xanh nhạt như “chùm nho nhí” mà tôi chưa từng được biết bao giờ?
Thấy tôi trố mắt ngạc nhiên, bạn “nhón” tay vào rổ lấy một chùm giơ lên nói: ”Đây là trái giác - đặc sản của Cà Mau - trái của một loại dây leo hoang dã thường quấn quanh các lùm cây trong rừng, ven sông rạch ở miền Tây (nhiều nhất ở Cà Mau). Trái sống có màu xanh, chín có màu đen thẫm, bên trong có màu tím như trái mồng tơi. Trái già có vị chua, ngọt thanh. Chính cái vị chua “rất đặc trưng” nầy là một thứ gia vị không thể thiếu trong các món ăn của người dân vùng U Minh. Ngoài việc dùng làm gia vị, trái giác chín còn được người dân nơi đây sản xuất (bằng cách lên men vi sinh) thành một loại rượu nổi tiếng thơm ngon, có màu rất đẹp, đó là “rượu trái giác”!
Sau khi kể dông dài về loại trái dân dã này, bạn “xắn tay” vào bếp chế biến món ăn, còn tôi phụ việc lặt vặt giúp bạn.
Tô cá nâu kho trái giác với màu sắc bắt mắt và mùi vị thật hấp dẫn! (ảnh: BCT)
Trước hết, cá nâu mua ở chợ hay đánh bắt đượclựa cá tươi đem về dùng dao bén đánh vảy, cắt bỏ vây, kỳ, đuôi. Bỏ toàn bộ đồ lòng (trừ trứng nếu có), rửa sạch để ráo. Cắt cá làm đôi hay làm 3, nếu cá lớn. Kế đến, phi đầu hành với mỡ thơm rồi cho nước dừa tươi cùng một ít nước sôi. Trái giác lặt cuống, rửa sạch cho vào vợt lược nhúng vào nồi nước sôi. Khi thấy trái giác chín, dùng muỗng nghiền lấy nước bỏ xác. Nếm nếm nước mắm, đường, bột ngọt cho vừa ăn. Cuối cùng, thả cá nâu vào khoảng 15 phút đến khi cá nứt da là chín. Nêm nếm lần cuối, cho hành lá, rau cần xắt khúc vào, nhắc xuống, và chuẩn bị thêm một chén nước mắm nguyên chất trong đó có vài trái ớt hiểm chín là xong!
Thật tuyệt vời, trong buổi chiều tà, gió hây hẩy thổi nơi bờ sông, bạn cùng tôi ngồi “đối ẩm” bên mâm cơm dọn trước sân nhà với món ăn dân dã cá nâu kho trái giác thơm lừng, đầy hấp dẫn!
Dùng đũa gắp miếng thịt cá nâu đưa lên miệng nhai chầm chậm, rồi sau đó chan muỗng nước canh trái giác vào chén cơm. Ôi chao, vị ngọt, dai, béo của cá nâu, hòa lẫn vị chua thanh rất “đặc trưng” của trái giác như đánh thức mọi giác quan. Thêm một cốc rượu trái giác vào nữa để trung hòa độ đạm, khiến cho câu chuyện càng thêm râm ran, bất tận xoay quanh về đề tài trái giác – loại gia vị hiếm hoi nơi “cùng trời cuối đất” nầy!...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét