Từ xưa, trong dân gian người ta tin rằng cá chạch (*) một nắng đã ngon miệng lại còn bổ dưỡng, giúp tăng cường khả năng "sung mãn" cho các quý ông. Vì thế, mà ai cũng ưa món nhậu “bắt mồi” này.
Loài cá chạch hay tụ quần trong những vùng nước tĩnh, sống dưới lớp đất phù sa dày hai, ba tấc. Mùa nước nổi ở miền Tây, cá chạch sống trên đồng nước mênh mông; nước giựt cạn thì rút xuống các lung, bàu, ao, vũng hoặc theo kinh rạch ra sông ngòi khắp vùng Tây Nam bộ.
Người bình dân chia cá chạch ra làm hai loại để gọi tên cho chúng: cá chạch cơm hay còn gọi là cá chạch đất, cá chạch bùn; cá chạch đuôi chình và cá chạch lấu.
Cá chạch phơi một nắng (ảnh tác giả)
Mùa cá chạch khoảng tháng 10 – 11 âm lịch. Mùa này cá chạch đều mang trứng, thịt dai nên ăn rất ngọt, ngon. Không chỉ giàu chất dinh dưỡng, thịt cá chạch còn là kho thuốc quý. Theo dân gian, thịt cá có tác dụng bồi bổ cơ thể, chống lão hóa, cường lực cho các đấng mày râu, thanh nhiệt, cần thiết cho người già.
Người ta bắt cá chạch bằng cách cào, thụt hay đặt nò, vó,… Lựa cá còn tươi, cỡ vừa ăn, làm sạch nhớt. Rồi đem với ít muối, bột ngọt, tiêu đâm hoặc ớt bằm, trộn đều chờ cá thấm. Sau đó, xếp cá chạch ra quanh niềng rổ hoặc xỏ dây đem phơi nắng.
Cá chạch một nắng chiên giòn (ảnh tác giả)
Đến chiều, đem chạch đã phơi vào, bắc chảo mỡ heo hoặc dầu dừa (ngày xưa người dân quê không biết dầu ăn) lên cho sôi để chiên cá. Cá chín sẽ nổi lên rồi chuyển sang màu vàng ươm. Vớt cá ra để cho ráo dầu, mỡ. Cá chiên giòn ăn tương tự cá nướng, có điều độ béo của nó đậm đà hơn nhiều, bởi được sự cộng hưởng từ chất làm ra món ăn này. Và quan trọng nhất là chén nước mắm me. Me nướng chín, dầm lấy cơm, bỏ hột, thêm chút đường, bột ngọt, ớt cho vừa ăn. Nước mắm ngon pha vào, phải xền xệt mới ngon.
Người ta tin rằng cá chạch một nắng đã ngon miệng lại còn có khả năng tăng cường khả năng hoạt động cho các quý ông. Vì thế, mà ai cũng ưa món nhậu “bắt mồi” này.
Ăn món cá chạch một nắng chiên vàng mà nghe đâu đó lời của người dân quê phảng phất câu ca dao tự thuở nào:
"Nhìn lên trời, thấy sao nguyệt bạch,
Ngó xuống lạch, thấy cá chạch đỏ đuôi,
Nước chảy xuôi con cá buôi lội ngược,
Em cùng anh gá nghĩa, chung tình biết có được không".
(*) có người gọi là cá trạch. Nhưng trong khẩu ngữ miền Tây Nam bộ ít người phân biệt ch và tr.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét