Thời thơ ấu của tôi là những ngày tháng sống bên cạnh nội. Ở nơi xóm nhỏ có dòng sông Cầu uốn quanh cùng với những rặng tre xanh mướt luôn rì rào trước gió. Và đó cũng là nơi lưu giữ biết bao những kỷ niệm về tuổi thơ tôi, đặc biệt là những kỷ niệm về nội về món trám đen kho cá ngọt bùi khó quên những ngày tháng bảy.
Thái Nguyên quê tôi không chỉ nổi tiếng bởi những vùng chè ngon mà còn được biết đến đến với trám đen một loại nông sản nổi tiếng của mảnh đất Phú Bình.
Cứ vào khoảng tháng bảy, tháng của những cơn mưa ngâu và cũng chính là tháng mà trám đen quê tôi được mùa thu hoạch.Tôi nghe bà kể rằng bà đã trồng mấy cây trám này từ ngày sinh bác cả, vậy là cây trám cũng đã được gần 54 năm.Chẳng vậy mà cây trám nào cũng to, cũng cao với những tán lá rộng, sai trĩu quả.
Vào mùa này, khi mà những quả trám xanh dần chín và chuyển sang màu tím thẫm thì nội và tôi lại cùng ra vườn. Nội mang rổ đi trước còn tôi lẽo đẽo vác cái sào tre dài thượt theo sau. Khi hái trám xong, nội luôn chỉ cho tôi cách trọn những trái trám ngon, đó là những mập, có làn vỏ mượt căng, tím thẫm. Những trái trám như vậy thì mới có thịt - tức cùi – dày, khi ăn bùi và béo.
Trám trám. Ảnh: Internet
Trám đen thì có nhiều cách chế biến như trám om, trám nhồi thịt hấp, trám ngâm mắm để ăn dần và đặc biệt là món trám kho với thịt hoặc cá. Nội tôi thường làm cá kho trám vì món ăn đó khi làm cũng không phức tạp mà lại là món ăn rất đưa cơm.
Trám sau khi hái xuống được nội đem đi ngâm nước chừng 1 đến 2 giờ đồng hồ, sau đó chà xát với nhau cho sạch nhựa.
Còn tôi thì phụ nội đun nước. Nội luôn nhắc tôi: “Con nấu nước sủi lăn tăn thôi chứ đừng để nước sôi hẳn kẻo không thì trám khi om sẽ bị cứng, bổ khó lắm mà ăn thì như đánh khăng trong miệng ấy”.
Tôi nghe lời nội canh chừng nước thật cẩn thận và sau khi được nước, tôi cho trám vào ngập nước và đậy vung lại. Đợi nước nguội, dần tôi chắt nước bắt đầu tách thịt trám.
Trong khi đó thì nội tôi cũng đã làm sạch cá và xắt ra thành từng khúc. Cá mà nội chọn ở đây là một con cá chép lớn cũng chính là loại cá sống phổ biến ở sông Cầu quê tôi mà nội tìm mua ở mấy ông hàng chài dưới bến đò.
Sau khi trám và cá được sơ chế xong, nội cho xếp lần lượt vào xoong. Đầu tiên là một lượt cá sau đó là trám và cuối cùng là cá. Nội bảo làm như vậy thì khi nấu hương vị của trám và của cá mới đượm vào với nhau.
Và một thứ gia vị không thể thiếu trong món ăn này chính là loại tương nếp cái hoa vàng quê tôi do chính tay nội làm.
Nội đem pha loãng tương để đảm bảo cho món ăn vừa miệng không bị mặn sau đó cho vào xăm xắp mặt cá. Tiếp đó, nội cho lên bếp, đun sôi rồi để lửa nhỏ cho cạn dần.
Trám kho cá rất bùi và béo. Ảnh: Internet
Trong khi đợi nội kho cá, tôi lại lôi rổ hạt trám ra chặt để lấy cái nhân trắng nhỏ ăn. Những đứa trẻ con như tôi, đứa nào cũng muốn ăn nhân trám vì cái vị bùi bùi rất quyến rũ. Những lúc như vậy bà vẫn thường mắng tôi: “Cẩn thận kẻo không lại bị đứt tay như lần trước là nội cho thêm mấy cái roi đấy”
Vậy là chẳng mấy chốc món cá kho trám cũng đã được nấu xong. Tôi phụ nội dọn cơm. Ôi bữa cơm với cá kho trám sao mà ngon đến vậy. Vị ngọt của tương thấm đượm trong miếng cá mềm và béo cùng với vị chua ngọt béo bùi của trám. Tuy chỉ là một bữa ăn giản dị nhưng nó cũng thấm đượm hương vị quê hương và tình yêu thương của nội.
Lúc này đây tôi nhớ nội, nhớ món cá kho trám. Kỳ nghỉ dài ngày này, tôi sẽ về với nội, và đòi nội nấu cho một nồi cá kho trám đen đậm đà hương vị xưa - hương vị tuổi thơ êm đềm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét